Gần đây có một sản phẩm thực phẩm trong văn hóa ẩm thực Nhật bản được rất nhiều người quan tâm đó là Gari/Gừng hồng/Gừng ngâm giấm. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về loại thực phẩm này qua 4 vấn đề sau:
 
  1. Gari/Gừng hồng là gì, được sử dụng như thế nào?
  2. Công dụng sức khỏe của Gari/gừng hồng
  3. Màu hồng của Gari từ đâu mà có?
  4. Cách làm gừng hồng tại nhà

1. Gari/Gừng hồng là gì, được sử dụng như thế nào?

Gari, còn gọi là Amazu-Shoga, là một trong nhiều loại rau quả muối chua mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản được làm từ gừng, sản phẩm Gari có màu hồng, khi ăn có sự hài hòa giữa những vị chua, cay, ngọt, nồng, nó được dùng để ăn với shushi và một số loại thực phẩm tươi sống để lấn át đi mùi tanh, tạo nên một hương vị hài hòa cho món ăn đồng thời nó cũng giúp tiêu hóa và tăng cường sức khỏe. Ngoài ra nó còn được gọi với nhiều cái tên như: gừng hồng, gừng shushi, gừng muối giấm…

Gọi là gừng muối chua và cỏ thể được làm ở mọi nơi trên thế giới nhưng nó vẫn mang một nét đặc trưng riêng về hương vị và màu sắc mà không phải ai cũng có thể làm được. Điểm quan trọng khi làm Gari đó là lựa chọn nguyên liệu là loại gừng non đúng độ tuổi, và phải có được công thức nấu nước giấm đường để ngâm theo đúng phong cách Nhật Bản. về phần này mình sẽ trình bày rõ hơn trong phần cách làm Gari/gừng hồng bên dưới.

Gari được sử dụng không chỉ đơn giản vì mục đích ẩm thực mà còn là vì sức khỏe, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về công dụng của Gari ngay trong phần bên dưới.

 2. Công dụng sức khỏe của Gari/gừng hồng

Gừng ngâm giấm sẽ là bài thuốc cực hay, tốt cho sức khỏe của bạn với những công dụng sau:

  • Giảm các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng nôn mửa, giúp tiêu hóa tốt, tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa, giúp chống viêm nhiễm hệ tiêu hóa do ăn phải những loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
  • Dùng gari trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể giúp giảm các triệu chứng thai nghén khó chịu.
  • Giảm cholesterol, giảm mỡ, giảm cân
  • Giảm sự hình thành của các tế bào ung thư, giảm thiểu tác hại của các biện pháp hóa trị với bệnh nhân ung thư, giúp giảm đau và điều trị các chứng thấp khớp và viêm khớp mãn tính
  • Chất gingerols được biết như là nhân tố chính ngăn ngừa ung thư ruột kết.
  • Theo nghiên cứu của trường đại học Y dược Maryland, thành phần trong gừng còn giúp giảm tắc nghẽn mạch máu, ngăn ngừa đột quỵ
  • Ăn gừng ngâm dấm hay một thìa con nước giấm còn có tác dụng lọc và đào thải chất cặn bã ra ngoài cơ thể.

 3. Màu hồng của Gari từ đâu mà có?

gừng hồng, gừng ngâm giấm, gari

Màu sắc của các sản phẩm Gari trên thị trường có cường độ màu đậm nhạt khác nhau tùy vào mong muốn của người đầu bếp, nhưng về cơ bản thì màu hồng nhạt của sản phẩm Gari là màu tự nhiên có sẵn trong củ gừng lúc còn non, màu này sẽ được tăng cường và an rộng ra trong quá trình ngâm với nước giấm. Ngoài ra, người ta có thể nhuộm màu bằng các màu sắc tự nhiên từ các loại rau củ quả, trong đó được sử dụng phổ biến nhất là: lá tía tô, củ cải đỏ, củ cải đường…

4. Cách làm gừng hồng tại nhà

Như đã nói ở trên, nguyên liệu dùng để làm Gari là gừng non 3 – 4 tháng tuổi, khi xử lý nguyên liệu nhớ giữ lại phần có màu hồng để lên màu cho sản phẩm lúc ngâm, giấm được sữ dụng để nấu nước ngâm cũng phải là loại giấm gạo của Nhật Bản, cũng có thể sử dụng một số loại giấm từ trái cây khác, một số đầu bếp sử dụng loại giấm có sẵn màu hồng của lá tía tô để nấu nước ngâm, việc này sẽ giúp rút ngắn quá trình chế biến hơn vì không cần phải qua khâu chuẩn bị màu nhuộm từ các loại rau quả tươi

Sau đây là một công thức làm Gari bạn có thể tham khảo

     Thành Phần:

  • Khoảng 300g gừng non 3 – 4 tháng tuổi
  • 5-7 muỗng cà phê đường tùy theo khẩu vị của mỗi người
  • 2 muỗng cà phê muối
  • 10 muỗng giấm gạo nguyên chất Nhật Bản.

     Tiến hành:

  • Bước 1: Dùng một cái muỗng cạo nhẹ lớp vỏ mỏng bên ngoài của củ gừng non, rửa sạch, sau đó dùng dao cắt gừng thành lát mỏng nhất có thể.
  • Bước 2: cho 1 muỗng cà hê đường và 1 muỗng cà phê muối vào một cái thau nhỏ, sau đó cho gừng vào ngâm rửa khoảng 15 phút để giảm bớt vị cay, chát của gừng.
  • Bước 3: Gừng sau khi ngâm rửa tiếp tục chần qua nước sôi khoảng 30 giây để làm mềm cấu trúc, và cũng là để giảm bớt độ chát. Sau khi chần vớt ra để ráo nước và cho vào hũ thủy tinh.
  • Bước 4: Nấu dung dịch nước giấm đường: Cho hỗn hợp giấm, đường vào chảo đun cho đường tan hoàn toàn sau đó rót vào hũ gừng đã chuẩn bị ở bước trên, dùng đũa hay muỗng để nén chặt gừng chìm dưới nước giấm. Sau 3 – 5 ngày là có thể đem ra sử dụng, có thể để trong tủ lạnh để sử dụng được lâu hơn.